Bạn có ý định mua đàn Piano, trước hết bạn sẽ làm gì:
- Xem cataloge đàn Piano, đến tất cả các tiệm đàn, thảo luận với thầy cô giáo Piano, hỏi ý kiến người quen hoặc những người có đàn Piano.
Tất cả những điều đó đều tốt cả. Thế nhưng nếu bản thân người mua đàn có kiến thức (kiến thức chính xác) về Piano và chọn đàn không phải dựa vào người khác thì cây đàn Piano mua được cũng khác.
Với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, tôi muốn dùng bài viết này để chia sẻ với quý đọc giả khả năng phán đoán và những kiến thức cần thiết để nhận diện chất lượng đàn Piano một cách chính xác.
1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐÀN PIANO
- Piano có 88 phím thể hiện âm vực của đàn. Trong các loại nhạc cụ, Piano là nhạc cụ có âm vực rộng nhất. Ngoài ra tùy theo lực đánh và cách đánh của ngón tay mà tiếng đàn có thể thay đổi nhiều dạng. Các nhạc cụ khác không thể bắt chước được như vậy nên Piano được gọi là “đàn Vua” của các loại đàn.
- Piano được phát minh vào khi nào? Một người Ý tên Bartolomeo Christofori đã phát minh vào năm 1709, ban đầu đó là nhạc cụ được cải tiến từ đàn Cembalo. Đàn Cembalo phát ra âm thanh khi đánh vào phím đàn, các móng được làm từ gốc lông chim đánh lên những sợi dây đàn nhỏ. Búa đàn đầu tiên được làm bằng da nai (hiện nay búa đàn được làm bằng lông cừu ép cứng lại) đánh vào dây. Loại đàn vừa được phát minh này có thể thay đổi âm lượng, đánh mạnh sẽ phát ra tiếng lớn, đánh nhẹ sẽ phát ra tiếng nhỏ. Vì thế nó có tên gọi là Clave cembalo and fortepiano. Ý nghĩa của tên này là: nhạc cụ giống như đàn Chembaro, là Clave code phát ra âm thanh to và âm thanh nhỏ. Sau đó tên đàn được giản lược lại thành Piano. Kỹ thuật sản xuất đàn được chuyển giao cho người Pháp, người Anh và được cải tiến không ngừng. Đến năm 1800, ở Đức người ta hoàn hiện nó thành cây đàn Piano tuyệt vời như ngày nay.
2. BA ĐẠI DIỆN NHẠC CỤ PIANO CỦA THẾ GIỚI
- Piano được truyền tụng bởi 3 đại diện, tất cả đều hình thành và phát triển ở Châu Âu, quê hương của cây đàn Piano cho đến ngày nay.
Đó là 3 công ty Steinway & Sons (ở New York – Mỹ, ở Hamburg – Đức), Bosendorfer (ở Vienna – Áo), Bechstein (ở Berlin – Đức).
Những hãng này cung cấp Piano với giá cả rất cao so với những hãng khác, nhưng cách chế tạo, số lượng nhỏ, hiện tại đã được cải thiện rất nhiều do máy móc phát triển. Thế nhưng, cách chế tạo Piano của những hãng này hiện nay cũng công phu và tinh tế không khác nhiều so với ngày xưa. Piano được chế tạo bằng tay bởi đội ngũ kỹ thuật viên lão luyện lành nghề. Vì thế Piano do những hãng này sản xuất được xem là niềm tự hào của cả thế giới. Từ đó mà từng cây đàn làm ra có những âm sắc huy hoàng mang tính riêng biệt.
- Người Đức là dân tộc Germane, từ đời xưa là dân tộc săn bắt, họ săn bắt nai, lợn rừng, thỏ để sinh sống, vì thế rừng đối họ rất quan trọng. Họ không thể đốt gỗ rừng một cách bừa bãi mà phải trân trọng bảo vệ cây rừng. Khi cây ra trái, thú rừng tụ tập kiếm trái cây ăn, và người ta đi săn. Ngày nay, đi đến những nơi đó, chắc hẳn chúng ta sẽ vẫn còn thấy những khoảng không gian giữa con phố là những cánh rừng dầy đặc.
- Vì thế mà ở Châu Âu có những loại gỗ rất tốt dùng làm đàn Piano. Có rất nhiều cây cổ thụ như gỗ sồi, gỗ thông lá đỏ (là loại gỗ cứng làm thùng đàn). Đóng vai trò phát ra tiếng đàn Piano là bản dội âm (sound-board) được làm từ loại cây thông lá kim có tên là Hyufute. Cây này người ta trồng thành rừng ở dãy núi Alps. Vòng sinh trưởng của cây trưởng thành từ 50~100 năm, vân gỗ rất nhuyễn. Điểm đặc trưng là các vòng vân sớ gỗ rất nhuyễn, màu trắng rất đẹp.
- Loại cây này sau khi khai thác, được sấy khô tự nhiên trong vòng 2 năm, sau đó chế biến thành gỗ tiếp tục sấy khô tự nhiên từ 4 tháng đến 1 năm, cách chế biến chậm mà chắc này làm tăng độ bền chắc của gỗ. Người ta đã công nhận đây là điểm trọng yếu để làm ra đàn có tiếng hay mà không gây hại mao mạch gỗ (cellulose), làm mất phẩm chất của gỗ. Phương pháp này ngày nay vẫn được thực hiện. Vì thế người ta không thể sản xuất đàn cao cấp với số lượng hàng loạt, những cây đàn này rất có danh tiếng nên giá thành cũng rất cao.
- Nhất là đối với công ty Steinway, họ chế tạo theo phương pháp ghép nối các mặt cắt gỗ bằng mộng ngàm chứ không sử dụng bản lề kim loại để nối các mặt cắt của gỗ và thân cây. Với cách làm như vậy, âm thanh sẽ vang xa, theo xu hướng tăng thêm tính chất của gỗ. Dòng đàn cao cấp này có sức bền 200 năm, có thể duy trì tuổi thọ gấp 5 lần so với đàn Piano sản xuất kiểu hàng loạt bình thường. Đàn Piano Steinway cho dù cũ nhưng chỉ cần thay dây đàn hay thay búa là vẫn có thể duy trì âm thanh hay, vì thế mà giá thành của đàn Steinway rất mắc.
Rừng thông - lấy gỗ dùng làm đàn.
3. SẢN XUẤT PIANO HÀNG LOẠT ĐẠI TRÀ
- Các nhà sản xuất Piano phổ biến thì các bạn đã biết, giá thấp hơn nhiều so với đàn Piano Châu Âu. Tại sao lại như thế?
- Đó là phương pháp sản xuất Piano giá thật thấp và ổn định, tức là việc sản xuất đại trà hàng loạt, bắt đầu được thực hiện từ năm 1960 do hãng Yamaha phát minh. Trước đó, giá sản xuất Piano của Yamaha rất mắc, ngang bằng với giá ở Đức, và khi đó người Nhật không thể dễ dàng mua được. Năm 1887, khi họ trải thảm mời các chuyên gia Đức sang, thì họ học phương pháp sản xuất Piano của người Đức, không dùng ván ép, sử dụng gỗ có chất lượng tốt, những dòng đàn đó đến bây giờ vẫn có thể sử dụng được chỉ cần thay dây, thay búa. Sản phẩm đàn Piano hầu hết là màu đen sơn mài. Sau đó có nguyên liệu hóa học Laquer. Người ta chà lớp sơn đen và đánh bóng. Ngày nay những cây đàn hiện vân sớ gỗ có giá cao giống như đàn Piano của Châu Âu vẫn còn, những cây đàn làm màu gỗ thường là những cây Piano rất sang trọng. (Hiện nay thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những cây đàn cũ này).
- Thế nhưng, các hãng sản xuất để kinh doanh hàng loạt chú tâm vào việc suy nghĩ tìm cách sản xuất Piano bán được và giảm giá thành. Việc sản xuất đại trà hàng loạt và giảm giá thành đã xuất hiện ở Nhật Bản. Để thay thế gỗ nguyên miếng thì người ta chế tạo ra ván ép, kỹ thuật sản xuất ván ép phát triển. Về việc sấy gỗ thì xuất hiện các phòng sấy gỗ nhân tạo, chỉ mất chừng 01 đến 02 tháng là có thể làm thành sản phẩm. Từ đây đã xuất hiện hàng loạt những cây đàn Piano hướng đại chúng giá cực thấp. Tuy nhiên, việc sấy khô nhân tạo gây hại mao mạch gỗ (cellulose). Nếu so sánh với việc sấy khô tự nhiên của Châu Âu thì độ vang xa của âm thanh yếu đi (Độ vang xa tự nhiên của tiếng đàn bị mất đi). Đó là sự khác biệt lớn nhất.
Hơn nữa, ngày nay việc sản xuất phát triển do thao tác của máy vi tính xử lý hóa ổn định. Công việc sản xuất có vẻ hiện đại hơn nhưng thực ra phương cách sản xuất đó làm cho Piano không còn là những cây đàn mang tính cách độc đáo riêng biệt nữa, mà giống như việc sao chép một bức tranh ra nhiều bức bởi cái máy copy. Cây đàn nào cũng có âm sắc, cảm nhận phím tương tự như nhau, không khác biệt nhau lắm(cũng có người cho thế là tốt). Việc sản xuất đại trà hàng loạt này làm xuất hiện những cây đàn giá rẻ, chịu sự đả kích dữ dội từ các hãng sản xuất Châu Âu có truyền thống. Họ vẫn quyết tâm duy trì sản xuất Piano bằng tay có chất lượng cao với số lượng nhỏ cho đến ngày nay. Họ nỗ lực duy trì sản xuất Piano chất lượng cao và giữ cho âm sắc mỗi cây Piano mang tính độc đáo riêng theo truyền thống của công ty mình. Và họ tự hào về điều này.
Chưa hết, Nhật Bản- vương quốc của việc sản xuất Piano đại trà hàng loạt- chẳng bao lâu sau đó đã bắt đầu chế tạo đàn Piano điện tử. Họ tổ chức rất quy mô quảng cáo trên các kênh truyền hình, và mời một số Pianist nào đó ủng hộ cho sự ra đời của Piano điện tử. Sau đó mấy năm, số lượng đàn Piano điện tử bán được thực sự giảm hẳn. Dù họ lao vào tỷ số phổ cập đàn Piano bằng cách tung ra Piano điện tử nhưng bên cạnh đó tỷ lệ sinh sản, gia tăng dân số ở Nhật giảm, nền kinh tế bị đình trệ, giá nhân công lại tăng, họ đã không thể chiến thắng hiện thực đó trong nước Nhật.
Vào thập niên 1970 nước Nhật có khoảng 30 hãng sản xuất đàn Piano, hiện chỉ còn vỏn vẹn 3 hãng. Trong 3 hãng đó họ thực hiện di dời nhà máy sang Trung Quốc (Thượng Hải), Indonesia.
- Tiếp theo Nhật Bản, nước thành công trong sản xuất hóa hàng loạt là Hàn Quốc. Khi đó, Hàn Quốc cũng quốc hóa tiền tệ, đồng Won rớt giá mạnh, cũng giống như Nhật Bản giá nhân công tăng trở thành gánh nặng, họ dời nhà máy sang Trung Quốc và Indonesia.
Hiện nay, nước sản xuất Piano đại trà hàng loạt nhiều nhất thế giới là Trung Quốc. Các nhà máy của Nhật Bản và Hàn Quốc đã phát triển. Cách đây 20 năm, Trung Quốc chỉ có một số ít công ty chế tạo Piano năng suất thấp, nhưng hiện nay đã có khoảng 180 hãng sản xuất. Họ đã sản xuất Piano giống các hãng sản xuất Piano đại trà của Nhật. Công ty Parl River của Thượng Hải hiện tại tự hào là sản xuất nhiều, đứng đầu trên thế giới.
Tôi xin được chuyển sang chuyện khác.
- Ở Việt Nam khi nghe nhiều người thích đàn cũ Upright Yamaha – kiểu H, tôi rất đỗi ngạc nhiên. Chính kiểu H là loại đàn Piano đạt tới đỉnh điểm xử lý hóa của sản xuất đại trà hàng loạt của Yamaha. Trước đó kiểu E, F, G chưa sử dụng nhựa. Đến kiểu H một số bộ phận sơn đen của thùng đàn người ta dán nhựa lên ván ép (thấy được quét màu đen bề ngoài). Âm sắc như thế thay đổi thành âm sắc mang tính kim loại, tiếng vang mỏng. Cũng là đàn cũ, nếu là tôi, tôi sẽ chọn cây đàn Piano mức độ tốt mặc dù so sánh về thời gian nó có cũ hơn hay bị hao mòn một ít, là những cây đàn Piano số seri dưới 1,000,000 trước kiểu E. Những đời Piano này, tất cả đều được chế tạo bằng gỗ, nên nếu so sánh với Piano ngày nay thì nó có sức bền cao hơn, âm sắc cũng dày hơn. (Piano cũ hiện tại ngày càng ít dần).
Số seri trên đàn piano
Tôi muốn các bạn từ từ biết về Piano. Bây giờ tôi sẽ nói những điểm quan trọng để lựa chọn Piano một cách tối ưu.
4. XEM, ĐÁNH ĐÀN, NGHE ÂM THANH
- Piano mà chỉ xem qua catologe thì cùng lắm chỉ biết hình dáng bên ngoài và giá cả. Việc nghe âm thanh, hay mở nắp đàn Piano để xem bên trong, xem đằng sau, so sánh đánh thử là không thể.
- Người Châu Âu đã có truyền thống lâu đời khi chọn lựa đàn Piano, chắc chắn người ta sẽ đến tiệm đàn để xem, để đánh, để nghe âm thanh, so sánh với những cây khác để chọn lựa. Khi chọn xong, cho dù phát hiện ra những vết xước khá nhiều trên đàn, màu sắc thay đổi đôi chút, người ta vẫn đề nghị chuyển đàn về nhà họ. Những đồ vật khác có vết xước, Piano cũng không phải là ngoại lệ. Vấn đề ở chỗ ta có thể đề nghị giảm giá nhiều ít, hoặc đề nghị sửa lại.
- Khi lựa chọn Piano ta nên chú ý những đặc điểm sau, tôi chia thành 2 loại đàn mới và đàn cũ.
Đặc điểm lựa chọn đàn Piano mới
Nước sơn: màu sắc trang nhã, design hợp với sở thích. Gần đây ở Châu Âu, ở Mỹ, ở Nhật, các trường học và nhà hàng thường sử dụng màu đen. Những người bình thường có khuynh hướng chọn màu phù hợp với trang trí nội thất trong nhà mình, số người mua màu gỗ chiếm áp đảo. Và màu đen thiên về lượng đàn sản xuất đại trà.
Màu sắc của bảng gỗ phát âm (sound board) và vân sớ gỗ: yêu cầu người ở cửa hàng trưng bày mở nắp trên và nắp dưới đàn Piano. Từ nắp dưới có thể nhìn thấy tấm sound-board, nếu nhìn được cả phía sau đàn Piano thì càng tốt. Màu của sound-board càng trắng thì là Hyufute sản xuất ở Châu Âu. Trường hợp màu đỏ trà là Spelluse của Canada. Cả hai loại gỗ đều thuộc họ nhà thông lá kim. Nhưng gỗ của Châu Âu vì hầu hết đều khai thác từ rừng trồng ở những triền núi phía Bắc, nên vân sớ gỗ nhuyễn hơn, do đó âm thanh vang tốt hơn.
Trụ chống: Dây đàn Piano gồm có 232 sợi, mỗi một sợi có sức căng 90kg. Khung sắt (frame) và trụ chống chịu lực căng này. Như tôi nói ở trên, khi xem mặt sau của Piano sẽ thấy trụ chống. Trụ chống có chất lượng vững chắc như thế nào thì chúng ta có thể xem và so sánh ở các cây đàn Piano để biết. (Những cửa hàng trưng bày Piano chỉ của cùng một hãng thì ta không thể so sánh sự khác biệt giữa những cây Piano của nhiều hãng khác nhau được).
Bộ máy (action): Cơ cấu từ bàn phím đến búa đánh lên dây đàn, có khoảng 2.200 bộ phận. Trong số này, bộ phận đặc biệt cần thiết là búa đàn (hammer). Hình dạng của búa có đẹp hay không hoặc khe khoảng cách giữa các phím đàn có đẹp hay không tùy theo hãng sản xuất. Khoảng cách (khe) giữa các phím đàn nếu không tốt thì chỗ hẹp, chỗ rộng không đồng đều, không khí ẩm thấp cao làm cho gỗ giãn nở, phím đàn khó cử động.
Âm sắc và cảm nhận phím (touch): Sau cùng, hãy đánh thử phím đàn để thử âm thanh, không cần thiết phải đánh như diễn tấu cũng có thể thử tiếng đàn được. Chỉ cần một ngón tay là được, đánh tuần tự từ âm trung, âm cao, âm trầm, sau đó đánh thử so sánh với đàn khác. Bằng cách đó, chắc chắn ta biết được sự khác biệt âm sắc giữa cây đàn đó với cây đàn khác.
Đánh đàn bằng 3 đến 4 ngón, ấn phím từ từ xuống, so sánh với Piano khác các bạn sẽ biết phím đàn nặng hay nhẹ (gần đây người ta thích đánh đàn nhẹ, nên một số hãng cũng sản xuất đàn Piano phím nhẹ)
Đặc điểm lựa chọn đàn cũ:
Không nên lệ thuộc vào số seri: Có nhiều khách hàng nói: Piano sản xuất vào năm nào, số seri không mới. Đây là một sai lầm lớn. Ví dụ trong lĩnh vực xe hơi, xe cũ của hãng taxi chẳng hạn, cho dù đời sản xuất còn mới, nhưng tần suất đã chạy thì bằng gấp từ 5 đến 20 lần xe cũ bình thường chạy. Không lẽ chúng ta lại đi mua xe hơi cũ bằng độ mới của năm?
Piano cũng thế, cây Piano mà người chuyên nghiệp đánh, cây Piano sử dụng ở trường nhạc, cây Piano mà người sinh viên đánh thì mau hao mòn hơn, bởi vì đến lúc đàn sắp hư nhiều rồi, nên mua mới đổi cũ, người ta thu lại, và thế là xuất hiện đàn cũ. Hơn nữa, nếu là những cây Piano của các hãng sản xuất hàng loạt như tôi đã trình bày ở trên về việc xử lý hóa, giảm giá thành thì mau hư hơn. Còn những cây Piano sản xuất trước đây được 35-40 năm tính tới thời điểm hiện tại có nguyên liệu gỗ rất tốt, âm sắc hay, và giữ được lâu dài. (Chẳng hạn như đàn Piano hiệu Steinway có thể giữ hơn 200 năm, cây đàn 50 năm vẫn còn là mới nên giá khá mắc).
Tình trạng búa đàn: Búa đàn làm bằng lông cừu có hình quả trứng đánh vào dây làm phát ra âm thanh. Búa đàn là bộ phận cực kỳ quan trọng. Búa sử dụng nhiều thì ở đầu búa sẽ in sâu vết hằn của dây đàn do búa tiếp xúc với dây quá nhều. Người ta phải mài búa (Filring – dùng giấy nhám mài búa cho tròn lại hình quả trứng) và chỉnh búa về hình dạng nguyên thủy. Trong khi đó nếu búa đã phải mài nhiều lần trong quá khứ thì độ lớn búa bị thu nhỏ lại ta có thể nhận thấy được. Dấu tích của dây đàn ăn sâu vào đầu búa trở thành đường rãnh, có tiệm Piano cứ để búa nguyên như thế mà bán, tốt hơn không nên chọn tiệm này (đây là tiệm thiếu kỹ thuật và kiến thức về Piano)
Dây đàn và trục lên dây (tuning pin): Dây đàn được quấn chặt vào trục (pin) nên người ta gọi đó là tuning pin. Đúng với tên của nó, khi lên dây (chỉnh âm thanh đúng độ cao) thì xoay trục này bằng dụng cụ chỉnh dây cho cường độ âm thanh đúng.
Bản phát âm (sound-board) và trụ chống: Việc xem mặt sau của Piano rất cần thiết. Bản phát âm vì trải qua nhiều năm nên thường chuyển thành màu đỏ. Đàn cũ thì không cần phải xem màu, mà nên xem có rạn nứt hay không. Rạn nứt là vết thương quan trọng của bản phát âm, làm âm thanh không thể vang được.
Trụ chống làm bằng gỗ vững chắc, ta nên xem có bị mốc bám không.
Bàn phím: Nắm bàn phím bằng ngón trỏ và ngón cái, lắc qua phải qua trái, chuyển động một đôi chút là bình thường. Trường hợp chuyển động thành cụm nhiều là do nỉ (nỉ ngăn chặn tạp âm) ở dưới mặt bàn phím đã mòn, và cần phải được thay, dán mới lại.
Bàn phím piano
Nỉ giảm âm thanh: Trường hợp đàn Upright, khi đạp pedal chính giữa thì miếng nỉ giảm âm thanh sẽ được kéo xuống vào khoảng cách giữa búa và dây. Cái nỉ này có chức năng giảm âm. Ở đàn cũ xưa thì nỉ này chuyển màu hơi đỏ và hơi cứng. Một số tiệm bán đàn có lương tâm họ thay bằng nỉ mới trắng toát. Có thể mở nắp trên của đàn sẽ thấy ngay.
Âm sắc và cảm nhận phím đàn: Điều này cũng giống như tôi đã nói ở đàn mới. Các bạn hãy lựa chọn âm thanh theo ý thích của mình.
5. NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT NHẤT:
- Các bạn cứ thử so sánh các cửa tiệm đàn theo những đặc điểm sau để lựa chọn nơi mình muốn tin cậy để mua đàn.
a) Trưng bày đàn của nhiều hãng (nhãn hiệu đàn) khác nhau
Trong trường hợp chỉ trưng bày sản phẩm của cùng một hãng, cùng một dòng sản phẩm thì cấu tạo, nguyên liệu đàn vì là giống nhau nên không thể so sánh đàn Piano được. (Trừ khi bạn đã xác định ngay từ đầu là đi mua đàn của hãng nào, không cần phải so sánh với hãng nào khác.)
b) Kỹ thuật viên (bảo trì đàn) của cửa hàng đó có đáng tin cậy không?
Trước hết xem bên trong đàn Piano cũ được trưng bày. Búa đàn bị mòn mà vẫn trưng bày? Dây đàn, trục dây đàn bị sét mà vẫn để nguyên? Tấm nỉ giảm âm thanh đã cũ mà vẫn không được thay? Nếu câu trả lời là “đúng vậy” thì trình độ kỹ thuật của cửa hàng là thấp, không có kỹ thuật viên lành nghề để bảo trì đàn.
c) Dịch vụ hậu mãi có vững chắc không?
Có những khách hàng khi mua đàn Piano từ đầu đến cuối chỉ chăm chăm chú ý vào số tiền, thương lượng giá cả.
Các bạn nên biết rằng khi mua Piano, dịch vụ hậu mãi hay còn gọi là chỉnh dây đàn là tối cần thiết. Đối với đàn mới từ khi mua thì phải chỉnh dây 2 lần trong 2 năm đầu, sau đó tùy theo mức độ đánh đàn nhiều hay ít, thì nhất thiết phải chỉnh dây tối thiểu 1 đến 2 lần trong năm.
Dây đàn được căng tổng lực căng là 20 tấn, cho dù không đánh đàn Piano đi nữa thì dây vẫn tự nhiên chùng xuống. 2-3 năm mà không chỉnh dây, âm thanh sẽ hạ thấp xuống nửa cung, chỉnh dây 1 lần dây đàn không quay về đúng chuẩn mà vẫn bị sai lệch, phải chỉnh 2 đến 3 lần. Nếu cứ để mặc kệ đàn không chỉnh càng lâu thì lỗi trục trặc cũng tăng do không khí ẩm, dây rỉ sét nhiều, khi tiến hành chỉnh dây thì chi phí sửa chữa sẽ lên gấp 3 đến gấp 5 lần so với chỉnh định kỳ. Chi phí sửa chữa tăng, tuổi thọ Piano giảm nếu không được chỉnh định kỳ. Vì thế, việc thực hiện chăm sóc khách hàng định kỳ, và trình độ chuyên gia của cửa hàng cao hay không chúng ta cần phải biết. Tốt hơn hết, nên lựa chọn một cửa hàng tốt, có chuyên gia đáng tin cậy có kỹ thuật cao đến chỉnh dây định kỳ. Đánh đàn Piano luôn ở tình trạng tốt sẽ luôn mang lại cảm giác sảng khoái cho người đánh và cho cả người nghe. Các bạn hãy chọn những cửa hàng có thể quan hệ lâu dài như tuổi thọ của đàn Piano vậy.